Biệt điện Trần Lệ Xuân hay Biệt điện bà cố vấn (số 2 - Yết Kiêu - Ðà Lạt) được xây dựng từ năm 1958, từng một thời là công trình “đệ nhất trời Nam” bởi kiến trúc sang trọng - xa hoa, thể hiện được sự giàu sang, phú quý của gia đình uy quyền nhất thời kỳ đầu tiên của chế độ Việt Nam Cộng hòa - gia đình cố vấn Ngô Ðình Nhu - Trần Lệ Xuân. 10 năm nay, công trình này không những là điểm đến du lịch kiến trúc mà còn trở thành địa chỉ Di sản Tư liệu thế giới - nơi lưu giữ hàng vạn tấm mộc bản quý hiếm, thu hút 50 ngàn lượt khách mỗi năm.
Biệt điện Trần Lệ Xuân. Ảnh: Internet
|
Biệt điện Trần Lệ Xuân 10 năm nay được sử dụng làm trụ sở Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - nơi lưu giữ và bảo quản nhiều tài liệu lưu trữ có giá trị, như hơn 34 ngàn tấm mộc bản, trên 14 ngàn tấm bản đồ, 6 phông tài liệu Hành chính thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa, với những kiệt tác mộc bản mang giá trị thiêng liêng như Mộc bản khắc “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn năm 1010, Mộc bản Vua Minh Mạng đổi tên và đặt tên tỉnh Hà Nội (1831); Mộc bản khắc những câu chuyện truyền thuyết lịch sử, như Thánh Gióng, Vua Hùng; đặc biệt, là những tư liệu quý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Trung tâm Lưu trữ quốc gia (TTLTQG) IV vừa tổ chức 2 không gian trưng bày Chuyên đề mới, với cách thể hiện độc đáo, lạ mắt và thu hút hơn. Đó là Không gian ngoài trời, Chuyên đề “Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản - Giá trị lịch sử từ ký ức”, giới thiệu khái quát về Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới và Không gian trong nhà, Chuyên đề: “Triều Nguyễn với việc biên soạn và san khắc quốc sử” sử dụng ánh sáng đèn để làm nổi bật chi tiết hình ảnh…
Trong đó, Châu bản triều Nguyễn là tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý Nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), bao gồm văn bản do nhà vua ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính trị trình lên để vua phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Tính độc đáo về hình thức của châu bản thể hiện ở hệ thống ấn chương phong phú, hình thức ngự phê độc đáo, đa dạng về chữ viết và chất liệu văn bản… Châu bản triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại TTLTQG I, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày 14/5/2014.
Mộc bản Triều Nguyễn là những tấm gỗ quý khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân tuân theo. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố, các cuộc tiễu trừ giặc giã… Tại TTLTQG IV đang bảo quản 34.619 tấm mộc bản với 55.320 mặt khắc thuộc 152 đầu sách, có giá trị trên nhiều phương diện với những nội dung ghi chép, phản ánh lịch sử Việt Nam qua các thời đại, từ thời Hùng Vương dựng nước đến Triều Nguyễn.
Khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 31/7/2009 - là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, tài liệu mộc bản còn độc đáo về chất liệu vật mang tin và nghệ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc in ở Việt Nam. Khối tài liệu châu bản và mộc bản là những tư liệu gốc, độc bản, rất quý của Việt Nam và hiếm có trên thế giới.
Với cách trưng bày mới, tư liệu mộc bản sáng rõ và nổi bật hơn. Ảnh: T.Vân
|
Không gian chuyên đề: “Triều Nguyễn với việc biên soạn và san khắc quốc sử” đánh dấu nguồn di sản quý giá mà triều đại cuối cùng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam để lại sau 143 năm tồn tại. Mặc dù, Viện Quốc sử ở nước ta thực tế đã được lập ra từ thời Trần và duy trì hoạt động đến các triều đại sau, như Lê, Mạc, Tây Sơn, nhưng rõ nhất, quy củ nhất và hiệu quả nhất là những tư liệu lịch sử nhà Nguyễn để lại.
Ngay sau khi lên ngôi lập ra nhà Nguyễn, Vua Gia Long cho thành lập Sử cục vào năm Tân Mùi (1811) - là tiền thân của Quốc Sử quán sau này. Sử cục đã biên soạn bộ Hoàng Việt Luật, hay còn gọi là Luật Gia Long gồm 22 quyền, 398 điều. Vua Minh Mạng kế vị, lập Quốc Sử quán, sai nho thần trong triều biên soạn quốc sử, thực lục để nêu công đức cho đời sau. Quốc Sử quán treo 4 chữ “Khuynh Cái Hạ Mã” trước cổng, có nghĩa bất cứ ai vào Quốc Sử quán cũng phải nghiêng lọng, xuống ngựa, cũng chứng tỏ vai trò to lớn và sự tôn nghiêm trong việc lưu giữ sử cũ, biên soạn sử mới làm tư liệu cho đời sau…
Để biên soạn Quốc Sử, nhà Nguyễn lập ra bộ máy biên tập, đứng đầu là những văn võ đại thần đầu triều với hàng loạt quy chế nghiêm ngặt trong việc soạn thảo, san khắc và in ấn. Mỗi bộ sách sau khi biên soạn xong đều được kiểm duyệt kỹ càng, trải qua nhiều khâu, cuối cùng “nguyên bản” kèm theo biểu dâng được trình Hoàng đế “ngữ lãm”. Đội ngũ biên soạn Quốc Sử được phân cấp rõ ràng, từ người chịu trách nhiệm biên soạn chính, đến người sưu tập tư liệu, người kiểm tra - hiệu đính - chép lại nội dung, đến nhân viên bảo quản…
Quá trình san khắc đặc biệt được coi trọng. Các viên quan có chức trách cao ở Quốc Sử quán được điều phái đến trông coi, kiểm duyệt. Công đoạn san khắc được miêu tả là: Các viên quan viết chữ đẹp và rõ ràng chép lại bản thảo, bản thảo đưa đi khắc in được làm khung cố định cùng ván khắc, bột hồ được phết ván gỗ để dán bản thảo, bản thảo khô phết dầu thực vật để các ký tự nổi lên. Nghệ nhân bắt đầu quá trình chạm khắc chính xác từng nét. Nếu phát hiện lỗi trên bản thảo, hoặc lỗi khắc, tấm ván gỗ khắc sẽ được thay thế ngay.
Ván khắc sẽ cho ra những bản in ngược. Nếu ván khắc có nét chữ nổi lên thì gọi là “dương văn”; nếu nét chữ chìm xuống thì gọi là “âm văn”. Nhưng thông thường, các ván khắc in mộc bản là “dương văn”. Sau khi khắc xong phải dâng biểu, được vua cho phép mới in nhân bản… Những tấm mộc bản được đưa về “Tàng Bản đường” ở phía sau Sử quán để bảo quản hoặc in dập… Do đó, để in xong một bộ sách hay một văn bản cần rất nhiều thời gian, như sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” mất 12 năm, sách “Đại Nam thực lục tiền biên” mất 23 năm mới hoàn thành.
… Chính vì vậy, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại TTLTQG IV là vô cùng quý giá không những về mặt tư liệu lịch sử, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử và ý thức lưu giữ để truyền lại cho hậu thế của các bậc tiền nhân triều Nguyễn… Kho Di sản Tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại TTLTQG IV cùng với công trình kiến trúc Biệt điện Trần Lệ Xuân đang là điểm đến của rất nhiều người, từ những nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh… đến những vị khách du lịch yêu thích lịch sử, kiến trúc và muốn hiểu sâu hơn, kỹ hơn về một giai đoạn lịch sử, về một nghệ thuật khắc in độc đáo của dân tộc Việt Nam…
TIỂU VÂN (LĐ online)