Thác Pongour, thuộc huyện Đức Trọng – Lâm Đồng, cách Đà Lạt 50km, theo quốc lộ 20 về Sài Gòn tới xóm Tùng Nghĩa có đường rẽ vào 7km là tới. Vừa đặt chân đến đây du khách không khỏi bồi hồi trước vẻ đẹp hùng vĩ của thác.
Ảnh: Lư Quyền |
Những tảng đá được xếp thành bảy bậc cao chót vót. Nước từ trên đỉnh chảy tràn xuống tạo thành những dòng thác chỗ thì mỏng, chỗ dày như bức tường sương khói lãng mạn giữa bốn bề hoang sơ. Thác Pongour người dân địa phương gọi là thác Bảy Tầng hay là thác Thiên Thai. Pongour là do tên người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa (K’ho: Pon-gou, với nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng).
Qua một số tài liệu địa chất học của người Pháp, vùng này có nhiều kaolin. Như vậy, Pongour có nghĩa là ông chủ hay ông vua xứ Kaolin. Pongour còn xuất phát từ ngôn ngữ K’ho có nghĩa là bốn sừng tê giác (Pon: bốn, gou: sừng). Giả thuyết này lấy từ một truyện cổ trong kho tàng truyện cổ K’ho – Chàm, Churu.
Ảnh: Hoàng Phúc Việt Anh
|
Nội dung truyện cổ ấy như sau:
Ngày xưa vùng đất Phú Hội – Tân Hội – Tân Hà ngày nay do nàng Ka Nai làm chủ. Ka Nai là một tù trưởng nữ xinh đẹp, trẻ, có sức mạnh hơn cả thanh niên dũng sĩ K’ho – Churu. Nàng lại có tài chinh phục thú rừng, đặc biệt là loài Tây u (tê giác) (Rơmis). Do đó, trong bộ lạc của nàng có đến bốn con tê giác khác thường. Ka Nai thường dùng bốn con tê giác ấy để khai phá núi rừng đồi suối và đánh giặc bảo vệ buôn làng. Thuở ấy, giặc Prenn (người Chàm) ở Panduranga (Ninh Thuận ngày nay) thường lên quấy phá, bắt bớ dân địa phương về vương quốc Chăm để làm phu, làm xâu (một hình thức nô lệ) hoặc đi lính chống lại người Yuan (Kinh).
Ảnh: Quy SG (Quy Tran)
|
Một lần, dân tộc của bộ tộc Ka Nai bị lính Prenn bắt đi khá nhiều. Căm giận trước cảnh ấy, Ka Nai đã kêu gọi các bộ tộc Tây Nguyên như Sré, Mạ, Nộp… nổi dậy chống người Prenn. Nàng đã tự mình cưỡi tê giác cùng với đoàn quân Tây Nguyên xuống đánh phá vương quốc Panduranga để báo thù. Ka Nai đã chiếm được bốn thành của người Prenn, cứu được hàng trăm dân K’ho bị người Prenn bắt làm nô lệ trước đây. Nhưng qua chiến thắng này, Ka Nai thấm thía nỗi buồn: một số người K’ho Mạ đã theo giặc Prenn, chịu làm xâu cho người Prenn chứ không chịu về Tây Nguyên – quê hương cũ, mặc dù nhiều người K’ho Mạ ấy đã có gia đình tại quê nhà.
Đau buồn và tức giận trước nghịch cảnh ấy, Ka Nai quyết trừng trị những ai bội nghĩa quên tình. Và, sau đó nàng phải xây dựng lại cuộc sống cho buôn của nàng. Ka Nai cùng bốn con tê giác ngày đêm ủi núi san đồi để tạo dựng một “vương quốc thủy chung” cho người K’ho của nàng. Pongour là dấu vết bốn con tê giác cắm xuống núi rừng Tây Nguyên để mở ra một kỷ nguyên văn hóa đoàn kết cho các dân tộc tại đây. Vào dịp trăng tròn đầu tiên của mùa ấm áp, núi rừng khởi sắc để làm ngày “kỷ niệm” cho bộ tộc của nàng. Nhiều người Hoa ở Tùng Nghĩa (Đức Trọng) nhân Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) thường tổ chức các cuộc viếng chùa miếu, lăng tẩm, các thắng cảnh, các di tích lịch sử kết hợp với phong tục của dân bản địa (K’ho, Churu). Đây là dịp mà người ta không còn phân biệt Kinh – Thượng, trao đổi tâm tình, tìm hiểu và yêu mến nhau. Đầu năm 2016, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng chọn thác Pongour tổ chức đêm Nguyên Tiêu vô cùng long trọng, có hàng ngàn lượt người tham dự.
Ảnh: Mạnh Hà |
Phong cảnh trùng hợp ngẫu nhiên, nếu du khách đứng dưới nhìn lên chót tháp sẽ nhận ra cảnh thầy trò Đường dắt nhau đi thỉnh kinh trong phim Tây Du Ký. Thác Pongour vừa hùng vĩ vừa hoang dã ẩn hiện một nét đẹp lãng mạn nhất Tây Nguyên. Mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách đến, thác gieo trong lòng người một niềm lưu luyến khôn nguôi. Ai đã đến xứ lạnh ngàn hoa Đà Lạt mà không đến thác Pongour là một thiếu sót cho chuyến đi.
Chỉ dẫn: Từ Đà Lạt đi về hướng TpHCM hết cao tốc Liên Khương, qua Thị Trấn Liên Nghĩa theo QL20 bên phải có biển chỉ dẫn, Thác Pongour cách QL20 hơn 10km.
Nhật Hồng (Theo Duyên dáng Việt Nam)