Phố núi Đà Lạt vừa tổ chức đại lễ hoa lần thứ bảy (hai năm một lần). Cảm ơn hoa đã làm Đà Lạt còn ở trong lòng người gần xa. Nhưng giữa những ngày hoa rôm rả, tôi lại nghĩ về cái nền làm nên xứ sở này là một “Đà Lạt đô thị”, là cái định vị trước, an nhiên tự tại, chứ không phải thứ nông phẩm được lẩy ra sau đó, và ồn ào chớp nhoáng những ngày son phấn trên đường phố kia...
Một nhạc sĩ đã đóng đinh vào tâm tưởng người bốn phương rằng Đà Lạt là “Thành phố buồn”. “Buồn” trở thành thương hiệu. Chưa có nơi đâu oái ăm như nơi này, khi câu “Thành phố nào vừa đi đã mỏi” lại là câu khen. Yêu Đà Lạt nhưng lữ khách không ở lại lâu được. Vài bữa là “than buồn” mà đi. Nhưng đi rồi lại nhớ, thế mới khốn khổ cho họ. Hình như có một thứ “tình yêu không cưới” - để nó tinh khôi, day dứt, đẹp mãi. Và khối kẻ hay than “buồn” lại là người du lịch thông thái và sâu sắc, biết “xài” Đà Lạt để học cách sống chậm, tái tạo tâm hồn, trước một vùng đất, đô thị trên núi xa.
* * *
Có vị chuyên gia đô thị, kiến trúc sư người Hà Nội nhưng thậm hiểu Đà Lạt, trong nhiều hội thảo về đô thị Đà Lạt cứ tự tin khẳng định: “Cái buồn cũng là tài sản của thành phố này”. Hoàng Đạo Kính ạ, ông có yêu Đà Lạt quá không đấy, mà bảo cái buồn cũng là... của cải? Nhưng nên nhớ ấy là cái buồn mang hồn vía nơi chốn, không phải thành phố nào muốn cũng có, và không phải nỗi buồn đô thị nào cũng sang.
Nguyên bản một biệt thự Pháp cổ trên đường Yên Thế
Nhưng Đà Lạt ạ, chỉ mỗi rừng thông thì không đủ tạo ra vẻ u hoài của đô thị, nhan sắc, vóc dáng của nỗi buồn...
Nơi đây là một nỗi buồn của đất trời hôn phối cùng thứ khác sáng tạo từ con người, khó có thể thấy ở đô thị nào trên đất nước này. Các chuyên gia đô thị từng giải phẫu núi đồi, rừng thông, và cái chất “Tây” thâm trầm trong thứ kiến trúc Pháp thời thuộc địa cổ xưa xinh đẹp nhưng không lạc thời, để thấy chính hệ thống biệt thự, công trình ấy sinh ra “nỗi buồn đặc sản”, là “linh hồn” đô thị của Đà Lạt.
Đà Lạt hình thành không phải từ sự quy tụ con người trước, mà bắt đầu từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, rồi đưa người lên sinh sống. Nên nó bài bản, mực thước, khoa học, mỹ thuật, và chan hòa. Hai thực thể vật chất kiến trúc và núi đồi cùng rừng thông không phải là giá trị gia tăng, mà là giá trị cơ bản của xứ sở này. Kiến trúc biệt thự đặt ở đâu cũng có thể đẹp, nhưng phải xây ở Đà Lạt, ngay dưới tàng cây, núp bóng thông ngàn, ven sườn núi, lũng đồi cao thấp ẩn hiện, như có như không, trước khói sương và nỗi trầm ngâm của thiên nhiên lẫn thời gian thì mới đạt đến đỉnh cao của sự xa xỉ.
Giờ đây tỉnh thành nào cũng xuất hiện kiến trúc biệt thự, thế mà ẩn chứa nhiều chiều sâu của nghệ thuật kiến trúc biệt thự nhất vẫn thuộc về những căn biệt thự bạc phơ ở phố núi Đà Lạt. Ngay ở Đà Lạt, nếu phá đi một căn biệt thự Pháp xưa, rồi cất lên một căn mới ngay khuôn đất, với chất liệu hiện đại hơn, thi công kỹ thuật cao hơn, thì cánh rừng thông và hồn đất chỗ ấy cũng đã khác rồi.
Một công trình kiến trúc tuyệt đẹp đang sử dụng bình thường trên đường Trần Quang Diệu bị đập bỏ để lấy đất xây thứ khác
Hai ngàn căn biệt thự thời thuộc địa mang phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX từng được giới nghiên cứu kiến trúc trong nước nhận xét là hai ngàn tác phẩm kiến trúc tuyệt vời đến bất ngờ, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào nhưng hài hòa với thiên nhiên Đà Lạt gần như tuyệt đối. Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia còn cho là có cả một bảo tàng kiến trúc Pháp xưa ở Đà Lạt.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng tiến cử Đà Lạt là “Thành phố di sản” bởi chỗ này. Lãnh đạo địa phương mỗi khi lên tivi cũng nhắc lại lời của các chuyên gia đô thị rằng xứ mình là “đô thị di sản”, nhưng dân Đà Lạt lại thấy quỹ biệt thự Pháp bị đập bỏ từng ngày, mỗi ngày đập nhanh và mạnh tay hơn, khắp nơi. Ai đó ước tính, trong vòng bốn mươi năm qua, quỹ ấy đã biến mất già phân nửa. Từ “Thành phố di sản”, Đà Lạt bỗng trở thành “Thành phố di tích”! Một khối quỹ đô thị - kiến trúc - văn hóa tổng thể nguyên vẹn có một không hai ở Đông Nam Á giờ tản mác, vỡ vụn.
Có những nơi chốn người ta đến để biết về bức tranh xã hội, đời sống, văn hóa một vùng đất, thời đã qua hay đang hiện hữu, khám phá và mở rộng hiểu biết. Lại có nơi người ta đến để thưởng thức những tiện nghi, hưởng thụ vật chất; để cảm nhận về sự xôn xao, sắc màu, hay những đặc trưng lịch sử khác; hoặc nữa có thể là để xả, rửa tiền... Nhưng ở Việt Nam này, với Đà Lạt, nó khác.
Không phải đô thị nào cũng “biết” buồn, và có thể buồn. Nỗi buồn của kiến trúc khi đã thành “văn hóa” là một thứ năng lượng, một hấp lực tâm hồn khó cắt nghĩa. Một thành phố đi tới mà không cần quá khứ sẽ không còn điểm tựa. Đà Lạt tựa vào nỗi buồn chuẩn mực đô thị văn minh phương Tây để làm trụ, để khác thị thành phong kiến phương Đông như Huế, Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM, Thăng Long - Hà Nội... Thuộc địa hay không thuộc địa chẳng quan trọng nữa, phải chấp nhận khi nó có giá trị, vì nó do chính lịch sử đớn đau trầm luân trên quê hương này tạo ra...
* * *
Khi ngang qua những con đường được in bóng biệt thự xưa ở phố núi, cảm giác về một không gian sống đài các dễ chịu cứ nhả ra tự nhiên. Cái cảm giác chênh vênh của núi đồi, sự thay đổi vô tận của địa hình, sự uốn lượn bất ngờ của đường phố, vẻ trầm mặc của kiến trúc “Tây”, cùng sự mát lạnh của ngàn thông réo gọi người đời ước muốn nằm giữa một căn phòng bất kỳ trong ấy để thưởng lãm cho đã kiếp người. Những biệt thự của thứ kiến trúc biết nương tựa vào thiên nhiên, không đe nẹt, cưỡng bức thiên địa, không thị uy quyền lực hay nhân bản vô tính không gian đô thị.
Đấy là những căn biệt thự mà đứng bất cứ hướng nào, ta cũng nhìn không chán. Vì biệt thự nào cũng “biết nói”. Ví như chiếc ống khói lò sưởi nhô lên khỏi mái ngói kia cũng nhắc nhở cái lạnh nao lòng của Đà Lạt bên trong từng “tổ người” trong căn biệt thự ấy. Và nhiều tổ người chăm chút, tử tế như thế làm nên quỹ kiến trúc giá trị của Đà Lạt.
Một biệt thự từng được dùng làm công sở trên đường Nguyễn Viết Xuân chưa bị đập phá
Từ rất nhiều năm rồi, người Đà Lạt hay thấy sinh viên các trường mỹ thuật ở Sài Gòn lên thuê nhà trọ để lặng lẽ hàng ngày lê giá đi vẽ những căn biệt thự trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh, Lê Lai... Đâu riêng các hoạ sĩ trẻ kia, người Đà Lạt cũng chẳng xa lạ với hình ảnh “Tây ba lô” dạo quanh ngắm nghía các căn biệt thự, đứng lặng mà chụp hình...
Một nữ họa sĩ trẻ từ Đồng Nai lên vẽ những biệt thự Pháp cổ ở Đà Lạt
Rồi còn những cô cậu cựu học sinh trung học Trần Hưng Đạo xưa, hay Thăng Long, Bùi Thị Xuân nay, rồi Viện Đại học Đà Lạt nữa, lưu lạc đây đó nhưng cứ thấy lang thang trong các blog trên mạng điện tử khi nhớ về “Thành phố buồn”. Trên mạng có người tâm sự nội cái tháp bút cô đơn nhưng mãnh liệt viết khát vọng lên trời xanh ở trường Lycée Yersin đã làm người ta quay quắt nhớ về Đà Lạt, cho dù phố núi này chưa hẳn là quê quán họ.
Người khác nữa bảo nhớ Ga xe lửa, Nha địa dư, Nhà thờ Con gà, Nhà thủy tạ lẻ loi trong sương sớm, và nhớ những cụm biệt thự cổ ở khu Mê Linh, Vạn Kiếp, Lê Lai, Hùng Vương, Quang Trung, Hoàng Diệu... Đó là chỉ dấu đô thị tinh tế, điềm nhiên, thanh tịnh, nhưng dễ gần với con người và mang một nỗi buồn lộng lẫy. Nỗi buồn lộng lẫy ấy đi vào thơ ca, nhạc họa, văn chương miền Nam, và làm Đà Lạt vang danh.
Ngôi biệt thứ đá tuyệt hiếm trên đường Đào Duy Từ đã bị đập bỏ để lấy đất xây một tòa kiến trúc... xấu hơn
Đô thị lâu đài của nỗi buồn ấy, đang dần thành “kỷ niệm” với chính người Đà Lạt. Vóc dáng nỗi buồn kia đang tan vỡ, xộc xệch, khi mà bỗng một ngày từ đâu bắt chước tấu lên bản pop rock về kiến trúc cùng lối sống dưới xuôi, và nhất là sự bất chấp ký ức xứ sở, kiêu ngạo về quyền lực cai quản. Ngày càng không nhận ra “cái duyên” đặc sắc của Đà Lạt nữa. Khắp nơi là cảnh độn nhà xây mới vào di sản, biệt thự cổ sống chung với nhà cấp bốn. Mấy ông bạn đạo diễn điện ảnh của tôi đi tìm cảnh đặc trưng để quay phim bắt đầu vất vả. Nhà cửa xây mới nhiều, nhưng “kiến trúc” ít. Cửa hàng vật liệu xây dựng, rửa xe, ăn nhậu, massage, nhà nghỉ... nhảy tưng tửng sát mặt đường, ở bất cứ con phố trang nhã một thời nào.
Ngày nào xây dựng nhà cửa ở Đà Lạt phải lùi để ẩn vào, nay tất thảy đều chồm ra. Ngày nào Đà Lạt xây dựng không có bạt đồi, san núi, lấp suối, cạo phăng rừng xanh, nay những điều không thể kia đều vô tư, nhãn tiền. Mọi công trình xây dựng đều có thể đè lên bất cứ cánh rừng thông nào, và cánh rừng thông nào cũng bị “doanh nghiệp” rào lại: có chủ. Phố phường ngày cứ gần hơn, giống hơn với Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu. Ngày nào mọi cánh rừng thông đều của nhân dân, giờ không cánh rừng nào thuộc về họ. Gả sạch, bán sạch, bán cho thật nhanh, từ bán sỉ đến bán lẻ.
Ấp Hà Đông bây giờ cũng hỗn độn, nghẹt thở, không còn thanh cảnh và chan hòa với đất trời như buổi nào
Xưa nay, trong mắt người đời Đà Lạt đẹp như thiếu nữ. Chiếc áo mới đắt tiền nhưng không hợp với cơ thể và tâm hồn sẽ khiến người thiếu nữ kia mất tự tin, vẻ trâm anh thế phiệt phút chốc thành buông thả, bừa bãi, bình dân. Cô gái trắng trong đô thị sơn cước biến mình thành đô thị đàn bà, khi cũng điệu đàng, xôn xao, ưa khoe khoang, trình diễn, nói cười hơ hớ, bốp chát, thực dụng, chặt chém, và như tự mình chối bỏ nỗi buồn... Cấu trúc phố bị phá vỡ. Linh hồn phố lung lay, bại hoại.
* * *
Có những nơi chốn người ta đến để biết về bức tranh xã hội, đời sống, văn hóa một vùng đất, thời đã qua hay đang hiện hữu, khám phá và mở rộng hiểu biết. Lại có nơi người ta đến để thưởng thức những tiện nghi, hưởng thụ vật chất; để cảm nhận về sự xôn xao, sắc màu, hay những đặc trưng lịch sử khác; hoặc nữa có thể là để xả, rửa tiền... Nhưng ở Việt Nam này, với Đà Lạt, nó khác.
Một chung cư xây thời Pháp trên đường Phạm Hồng Thái vẫn còn nền nã
Tôi đang mơ về một Đà Lạt thông minh hiện đại, với sự phát triển tiếp nối, có vui có buồn, có sự lung linh của ký ức cùng sự tươi tắn của hiện tại, thấy rõ hoàng lộ của tương lai, chứ không phải chà đạp lên quá vãng.
Không được thế thì tôi đi làm thơ trên ký ức úa tàn kia vậy!
Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình (Theo nguoidothi.net.vn, ngày 12/01/2018)