Pongour được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất thác, là thác nước duy nhất của Việt Nam có ngày hội của riêng mình. Hàng năm, cứ đến rằm Tháng Giêng âm lịch, hàng ngàn người lại trẩy hội Thác Pongour để nguyện cầu những điều may mắn, tình yêu son sắt.
Dòng người trẩy hội Pongour
Ngày 19/2 (nhằm ngày rằm Tháng Giêng âm lịch), hàng ngàn du khách và người dân địa phương đã đến tham quan, trẩy hội cầu duyên ở Thác Pongour (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Thác Pongour cách Đà Lạt khoảng 50km về phía Nam. Thác cao khoảng 30m, trải rộng hơn 100m, hai bên là vách đá rêu phong dựng đứng, nằm giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp với những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, thân và cành chằng chịt dây leo. Không chỉ một ngọn mà cả dãy thác liền kề; không chỉ đôi ba tầng mà có tới 7 tầng thác với những dòng nước ầm ào tuôn đổ.
Sức hút của thác nước này không chỉ ở vẻ đẹp mà còn từ điều huyền bí nào đó, chưa ai có thể cắt nghĩa đầy đủ được. Với người K’Ho, vào rằm Tháng Giêng - lần trăng tròn đầu tiên của mùa xuân ấm áp, sung túc, mọi người tụ họp ở Pongour để tưởng nhớ nàng K’Nai và các “ngài” tê giác.
Theo tiếng K’Ho, Pongour là thác bốn sừng tê giác (pon là bốn, gour là sừng). Có truyền thuyết rằng thuở xa xưa tù trưởng dân tộc K’Ho là nàng K’Nai xinh đẹp. Nàng không những cảm hóa, sai khiến được bốn chúa sơn lâm tê giác bạt núi san đồi tạo nên thác nước hùng vĩ, với tiếng gầm thét vang xa vạn dặm để uy hiếp kẻ thù, mà còn vượt qua bao nhiêu rào cản của luật tục lạc hậu để bảo vệ tình yêu.
Ngày hội khá xôm trò với múa sạp, xòe Thái, thi nấu cơm lam, tổ chức lửa trại, biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, tổ chức leo núi và nhiều trò chơi dân gian khác.
Du khách hào hứng nhày múa cùng người dân địa phương
Đối diện với thác là bãi Tiên Sa, khu vực có dòng nước chảy êm nhất với những phiến đá lớn ở Thác Pongour thích hợp cho việc tổ chức picnic và chơi các trò team building. Nhiều thanh niên rủ nhau tắm thác để cầu may.
Tắm thác để cầu may
KIM ANH (Tiền Phong)
Loading...